~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI BỆNH ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

TTYT KIM BÔI CẤP CỨU THÀNH CÔNG SẢN PHỤ RAU TIỀN ĐẠO TRUNG TÂM MẤT MÁU NẶNG

Thứ hai - 21/04/2025 22:57
Rau tiền đạo trung tâm là hiện tượng rau bám sai chỗ (bám ở đoạn dưới tử cung, che lấp hoàn toàn cổ tử cung và đường ra của thai nhi). Đây là một trong những bệnh lý cấp cứu chảy máu nặng trong sản khoa. Phải mổ lấy thai do bánh rau nằm trước đường đi của thai nhi khi sinh đường âm đạo. Bệnh lý này có thể gây chảy máu trước, trong và sau sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ và thai nhi.
Ngày 15/04/2025, sản phụ B.T.T 37 tuổi trú tại xã Nam Thượng mang thai lần thứ ba, lần này kỳ kinh cuối không nhớ. Trong quá trình mang thai được theo dõi và tư vấn tại TYT xã Nam Thượng, bệnh nhân đi siêu âm 2 lần, đã phát hiện ra rau tiền đạo, dự kiến sinh ngày 20/4/2025, lần khám ngày 12/4/2025 đã được tư vấn yếu tố nguy cơ nhưng không vào viện. Đến khoảng 20h ngày 15/4/2025 bệnh nhân đau bụng ra máu nhiều chưa xử trí gì, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi bằng ô tô lúc 22h40’ trong tình trạng chảy máu âm đạo nhiều, huyết áp tụt 70/40mmHg.
Qua thăm khám: CTC/VB 32/92 cm cơn co tử cung tần số 2 cổ tử cung đang xóa có nhiều máu cục lẫn máu đỏ tươi ở âm đạo. Kết quả siêu âm cấp cứu tại giường: 01 thai, ngôi ngược, tim thai chậm không đều (tần số ≈ 90ck/p), rau tiền đạo trung tâm, nhiều mạch máu xuyên qua mặt trước đoạn dưới tử cung. Nhận thấy bệnh nhân tiên lượng nặng nguy cơ tử vong cả mẹ và con rất cao, kíp trực cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ của TTYT, vừa hồi sức tích cực mẹ và thai nhi đồng thời hội chẩn xin ý kiến và hỗ trợ từ BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Sau khi có ý kiến thống nhất với BVĐK tỉnh Hòa Bình, tại TTYT huyện Kim Bôi Ca phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành lúc 23h với kíp mổ được huy động tối đa các Bác sĩ phẫu thuật viên, gây mê hồi sức (GMHS), hồi sức cấp cứu, xét nghiệm truyền máu, nhi sơ sinh, đồng thời tại BVĐK tỉnh Bs Chuyên khoa Cấp II Trần Hoàng Dương Trực lãnh đạo chỉ đạo kíp hỗ trợ gồm Phẫu thuật viên Sản khoa, Bs Chuyên khoa cấp II Cao Văn Giang làm trưởng đoàn, Bs Hải CK II GMHS, cùng máu và huyết tương tươi nhóm “B’’ của người bệnh, tức tốc lên đường kịp hỗ trợ chuyên môn cho TTYT Kim Bôi. Sau mổ kíp phẫu thuật đã lấy ra 01 trẻ không khóc, ngạt trắng. Sau 30 phút cấp cứu tích cực trẻ có nhịp tim đều trở lại và nhịp tự thở còn yếu; sau 1h trẻ khóc được SpO2 97% cân nặng trẻ 2500g. Kíp phẫu thuật xử lý cắt tử cung bán phần để cầm máu, lúc này tình trạng bệnh nhân rất nặng do mất nhiều máu. Tới 0h20’ kíp hỗ trợ BVĐK tỉnh đã đến và nhanh chóng phối hợp cùng các bác sĩ TTYT Kim Bôi hồi sức bệnh nhân, truyền khối hồng cầu và huyết tương tươi cùng nhóm; kiểm tra mỏm cắt tử cung. Bệnh nhân được truyền kịp thời 3 túi Hồng cầu khối 350ml và 1 đơn vị huyết tương; tình trạng bệnh nhân đã ổn định.
Qua trường hợp bệnh nhân B.T.T TTYT huyện Kim Bôi rút ra bài học kinh nghiệm như sau:
1. Về quản lý và tư vấn thai phụ tại cơ sở: Tăng cường công tác quản lý thai nghén và tư vấn cho thai phụ tại các TYT đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao.
2. Về tiếp đón cấp cứu tại TTYT: Nhanh chóng, đồng bộ ở tất cả các vị trí trực kích hoạt kịp thời Báo động đỏ và xin ý kiến hội chẩn, tư vấn chuyên môn của tuyến trên với bệnh nhân nặng.
3. Về Phẫu thuật và phối hợp cấp cứu: Huy động tổng lực các Bs Phẫu thuật viên, GMHS, HSCC… đồng thời phối hợp với kíp hỗ trợ của tuyến trên trong chuyên môn Phẫu thuật, GMHS, HSCC, Truyền máu…


Ca mổ cấp cứu diễn ra thành công, kịp thời cứu sống cả hai mẹ con sản phụ qua cơn nguy kịch. Thành công này có được là nhờ sự phối hợp ăn ý của toàn thể ekíp cùng các trang thiết bị hiện đại của bệnh viện. Quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, tình trạng mất máu được kiểm soát tốt. Sau 01 ngày phẫu thuật, với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu, sức khỏe của mẹ đã ổn định, Con tỉnh táo nhưng bú kém, nôn trớ, sữa tiêu chậm nên 8h sáng ngày 16/4/2025 được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị.

Qua trường hợp của sản phụ B.T.T, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản TTYT huyện Kim Bôi khuyến cáo các sản phụ:
1. Ra máu âm đạo bất thường: Một trong những dấu hiệu nhận biết rau tiền đạo là ra máu âm đạo bất thường (Máu đỏ tươi lẫn máu cục) nhưng không hề có dấu hiệu đau bụng, thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ; Tình trạng xuất hiện âm đạo có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, chảy máu ít hoặc nhiều, có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, triệu chứng có thể tái phát với mức độ xuất hiện tăng dần. Khi thấy ra huyết âm đạo bất thường, thai phụ nên đến viện khám và điều trị dù máu đã ngừng chảy.
2. Khi nào nên kết thúc thai kỳ: Với những trường hợp rau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm, thai phụ nên chủ động kết thúc thai kỳ bằng phương pháp mổ lấy thai ở tuần thai 37-38. Nên chủ động mổ lấy thai trước khi có chuyển dạ đẻ để tránh chảy máu ồ ạt khi chuyển dạ. Tuy nhiên nếu rau tiền đạo ra máu nhiều, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng thai phụ thì phải chủ động mổ lấy thai để cầm máu cứu mẹ là chính, không kể tuổi thai.
3. Cách phát hiện rau tiền đạo bằng phương pháp cận lâm sàng: Siêu âm là 1 phương pháp cận lâm sàng để theo dõi sự di trú của bánh rau. Từ tuần 28-32 trở đi, bánh rau mới bám ổn định. Vì vậy siêu âm để kiểm tra vị trí bám của bánh rau từ tuần thai này trở đi là rất cần thiết.
Trong quá trình mang thai, các thai phụ phải đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để chăm sóc thai kỳ tốt và phát hiện sớm những thai kỳ có nguy cơ cao. Khi có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tra cứu gp hành nghề
Thủ tục khám chữa bệnh
Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,059
  • Tháng hiện tại4,501
  • Tổng lượt truy cập525,417
Đánh giá của bệnh nhân

Chất lượng dịch vụ tại TTYT Huyện Kim Bôi?

VIDEO TTYT Huyện Kim Bôi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây