~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI BỆNH ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
TTYT KIM BÔI MỔ CẤP CỨU SẢN PHỤ CÓ THAI BỊ DỊ TẬT “ KHUYẾT HỞ THÀNH BỤNG”
Thứ sáu - 25/04/2025 21:45
Hở thành bụng là dị tật bẩm sinh khiến nội tạng của trẻ sơ sinh (bao gồm dạ dày, ruột già hoặc ruột non) thoát ra khỏi cơ thể thông qua một lỗ nhỏ. Lỗ này có kích thước từ 2–5cm xuất hiện cạnh rốn của bé. Bất thường xảy ra trong giai đoạn sớm của thai kỳ Ngày 09/04/2025, TTYT huyện Kim Bôi đã tiếp nhận 1 trường hợp là sản phụ B.T.D 23 tuổi, trú tại xã Cuối Hạ, mang thai lần thứ 3, thai được 38 tuần. Vào viện BN được chẩn đoán: Thai 38 tuần 4 ngày chuyển dạ đẻ lần 3 ngôi đầu/ SMC lấy thai lần 3/ Thai dị tật ( thoát vị khuyết hở thành bụng)- suy dinh dưỡng bào thai. Trong quá trình mang thai, thai phụ được theo dõi, tư vấn, khám thai tại trạm y tế xã Cuối Hạ. Bệnh nhân đi siêu âm tại cơ sở y tế và phòng khám tư nhân đã phát hiện ra thai bị dị tật khuyết hở thành bụng và đã được tư vấn lên tuyến trên khám và điều trị. Đến ngày 09/4/2025, bệnh nhân xuất hiện đau bụng cơn hạ vị, khi đến viện khám cổ tử cung đã mở 8cm nên không kịp chuyển lên tuyến trên. BN đã được mổ cấp cứu tại TTYT huyện Kim Bôi, sau mổ mẹ ổn định, sơ sinh đã được hồi sức và chuyển lên tuyến trên điều trị, hiện tại đã ổn định. Qua trường hợp bệnh nhân B.T.D, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản TTYT huyện Kim Bôi khuyến cáo các thai phụ: 1. Cách phát hiện khuyết hở thành bụng ở thai nhi: Trong quá trình phát triển thai nhi, thành bụng được khép kín sau 12 tuần. Hở thành bụng có thể phát hiện sớm từ tuần 12 bằng siêu âm. Nhưng phần lớn được chẩn đoán vào tuổi thai 21-24 tuần giai đoạn làm siêu âm hình thái, vì vậy siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các dị tật là rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình điều trị chỉ có thể thực hiện khi bé được sinh ra. Do đó, trẻ bị dị tật cần được theo dõi và kiểm soát từ trong bụng mẹ. 2. Thai phụ có thai nhi bị dị tật “ khuyết hở thành bụng” nên được sinh tại đâu? Thai phụ có thai nhi bị dị tật “ khuyết hở thành bụng” nên được sinh ở tuyến trung ương, nơi có khả năng phẫu thuật cho bé khi sinh ra. 3. Một số yếu tố nguy cơ gây khuyết hở thành bụng: - Thai phụ tiếp xúc khói thuốc hoặc hút thuốc lá. - Sử dụng rượu bia, chất kích thích khi mang thai. - Phơi nhiễm với những chất độc hại như chất gây ung thư (nitrosamine), thuốc diệt cỏ (atrazine). - Thuốc ức chế cyclooxygenase (aspirin và ibuprofen). - Thuốc thông mũi (pseudoephedrine và phenylpropanolamine). Trong quá trình mang thai, các thai phụ nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để chăm sóc thai kỳ tốt và phát hiện những thai kỳ có nguy cơ cao. Siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh thai nhi, đặc biệt là siêu âm hình thái ở tuần 21-24, từ đó sẽ có lời khuyên và hướng xử trí phù hợp từ các y bác sĩ cho thai kỳ hiện tại.