Ngày thế giới phòng chống bệnh Lao (24/03/2025) với chủ đề "Vâng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao: Cam kết, Đầu tư, Thực hiện” “YES! WE CAN END TB: COMMIT, INVEST, DELIVER!”
Tại Việt Nam Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2025 là:
“VIỆT NAM CAM KẾT, ĐẦU TƯ, HÀNH ĐỘNG ĐỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!” là cơ hội để đổi mới cam kết, truyền cảm hứng và hành động để chấm dứt bệnh Lao.
Hưởng ứng các hoạt động phòng, chống Lao (24/3) năm 2025, Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi đã triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông: Truyền thông với cá nhân, nhóm nhỏ, tư vấn tại Trung tâm y tế, trạm y tế, trường học, cộng đồng… trên hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, hệ thống băng zôn, tờ rơi, áp phích… đã góp phần nâng cao nhận thức, thái độ tích cực của cộng đồng đối với người bệnh Lao, tạo sức lan tỏa, huy động các cấp, ban ngành cùng vào cuộc chung tay hành động thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống Lao.
Nhằm tăng cường phát hiện bệnh Lao trong cộng đồng, hệ thống y tế duy trì và phát huy hiệu quả mạng lưới phòng, chống lao từ huyện đến các xã, thị trấn với 100% Trạm Y tế có cán bộ chuyên trách phòng, chống lao, tại Trung tâm y tế có Tổ chống Lao, khám, tư vấn, lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân nghi lao, bệnh nhân lao; cung ứng vật tư, nguồn thuốc để chẩn đoán, điều trị cho người bệnh…
Định kỳ Trung tâm y tế huyện, trạm y tế tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng, kịp thời sàng lọc, phát hiện người mắc lao. Hiện số người được chẩn đoán mắc lao tiềm ẩn trên địa bàn huyện đều được quản lý, được cán bộ chống lao xã giám sát, khám, tư vấn; được điều tra thông tin người tiếp xúc hộ gia đình; 100% người có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát đều được điều trị khỏi lao phổi.
Để phòng chống bệnh lao, người dân cần lưu ý:
- Tiêm phòng vắc xin BCG ngừa bệnh lao cho trẻ sơ sinh.
- Khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
- Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh.
- Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, ngủ giường riêng và dùng riêng bát, đũa, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị.
- Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
- Nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lao, người bệnh cần đến ngay các các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh lây lan cho người khác.
- Đối với gia đình có người mắc bệnh lao cần thường xuyên đến các cơ sở y tế để được khám phát hiện, đặc biệt là trẻ em.
Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao.
Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035!